Lịch sử Tổng_cục_Thống_kê_(Việt_Nam)

Ngay trong thời gian đầu cách mạng mới thành công, trong muôn vàn khó khăn của thời kỳ chống thù trong giặc ngoài, ngày 6 tháng 5 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ký sắc lệnh số 61/SL quy định bộ máy tổ chức của Bộ quốc dân kinh tế gồm các phòng, ban, nha trực thuộc, trong đó có Nha Thống kê Việt Nam. Ngày 6 tháng 5 năm 1946 được lấy là ngày thành lập ngành Thống kê Việt Nam.

Chiểu theo Sắc lệnh 61/SL ngày 6 tháng 5 năm 1946, Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế đã ký Nghị định ngày 28 tháng 5 năm 1946 về tổ chức Nha Thống kê Việt Nam với những nội dung chính sau đây:

Điều thứ nhất: Nay tổ chức một Nha Thống kê Việt Nam phụ thuộc vào Bộ Quốc dân Kinh tế và đặt dưới quyền điều khiển của Giám đốc do sắc lệnh cử theo lời đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế.

Điều thứ hai: Nhiệm vụ của Nha Thống kê Việt Nam định như sau này:

1. Sưu tầm và thu thập những tài liệu và những con số có liên quan đến vấn đề xã hội, kinh tế hay văn hoá.

2. Xuất bản những sách về thống kê

3. Kiểm soát các công ty bảo hiểm Việt Nam hay hải ngoại.

Điều thứ 3: Nha Thống kê Việt Nam có thể liên lạc thẳng với các cơ quan Thống kê của các Bộ, các kỳ và các tỉnh và các công sở khác để sưu tầm tài liệu cần thiết.

Điều thứ tư: Nha Thống kê gồm có ba phòng, nhiệm vụ định sau đây:

1.Phòng nhất (phòng Hành chính) coi về nhân viên, kế toán, vật liệu, lưu trữ công văn, xuất bản các sách báo.

2.Phòng nhì: Thống kê dân số, văn hoá, chính trị

3.Phòng ba: Thống kê kinh tế, tài chính

Ngày 7 tháng 6 năm 1946 theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 98/SL cử ông Nguyễn Thiệu Lâu giữ chức Giám đốc Nha Thống kê Việt Nam.

Ngày 25 tháng 4 năm 1949 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký 2 sắc lệnh:

Sắc lệnh số 33/SL sáp nhập Nha Thống kê Việt Nam vào Phủ Chủ tịchSắc lệnh số 33/SLSắc lệnh số 34/SL cử ông Nguyễn Thiệu Lâu giữ chức Giám đốc Nha Thống kê trong Chủ tịch phủ.

Ngày 1 tháng 7 năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 124/SL bãi bỏ Sắc lệnh số 33/SL ngày 25 tháng 4 năm 1949 và Sắc lệnh số 34/SL ngày 25 tháng 4 năm 1949, quyết định " Một tổ chức tạm thời để theo dõi công việc thống kê sẽ do Nghị định Thủ tướng Chính phủ ấn định".

Ngày 9 tháng 8 năm 1950, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng thay mặt Thủ tướng Chính phủ, ra Nghị định số 38/TTg thành lập phòng Thống kê trong Văn phòng Thủ tướng phủ do ông Lương Duyên Lạc làm trưởng phòng. Phòng Thống kê có nhiệm vụ:

1. Thu thập và xếp đặt những tài liệu thống kê của các Bộ và các Uỷ ban hành chính kháng chiến địa phương.

2. Giúp các Bộ và các Uỷ ban hành chính kháng chiến tổ chức và hướng dẫn theo dõi công tác thống kê.

Ngày 20 tháng 2 năm 1956, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Điều lệ số 695/TTg về tổ chức Cục Thống kê Trung ương, các cơ quan thống kê địa phương và các tổ chức thống kê các Bộ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Trong Điều lệ 695/TTg có ghi:

Nay thành lập Cục Thống kê Trung ương trong Ủy ban Kế hoạch Nhà nước của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, các Ban Thống kê địa phương, các tổ chức thống kê ở các Bộ, các cơ quan xí nghiệp.

Cục Thống kê Trung ương và các cơ quan Thống kê ở địa phương là một hệ thống thống nhất, tập trung.

Cục Thống kê Trung ương trong Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà là một cơ quan của Nhà nước để lãnh đạo thống nhất và tập trung mọi việc thống kê và kế toán trong nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Nhiệm vụ chủ yếu của Cục Thống kê Trung ương là sưu tầm, thu thập, nghiên cứu và đệ trình Chính phủ những tài liệu thống kê chính xác, phân tích một cách khoa học để có thể nêu được quá trình thực hiện kế hoạch Nhà nước, sự phát triển kinh tế và văn hoá trong nước, những nguồn tài nguyên và cách sử dụng tài nguyên đó, tỷ lệ phát triển của các ngành kinh tế, văn hoá và mức độ phát triển của từng ngành.

Cục Thống kê Trung ương tạm thời gồm các phòng: Thống kê Tổng hợp; Thống kê Nông nghiệp; Thống kê Công nghiệp, Vận tải; Thống kê Thương nghiệp Tài chính; Thống kê Văn hoá, giáo dục, Y tế, Dân số, Lao động.

Ngày 8 tháng 4 năm 1957, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 142-TTg quy định lại tổ chức, nhiệm vụ của các cơ quan thống kê các cấp các ngành, bãi bỏ Điều lệ số 695- TTg ngày 20- 2- 1956.

Về tổ chức thống kê: Bộ máy thống kê các cấp các ngành gồm có:

1. Cục Thống kê Trung ương (Trong Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước)

2. Các Chi cục Thống kê Liên khu, khu, thành phố, tỉnh.

3. Phòng Thống kê huyện, châu

4. Ban Thống kê xã.

5. Các tổ chức thống kê của các Bộ, các ngành Trung ương và các cơ quan trực thuộc.

Cục Thống kê Trung ương là cơ quan của Nhà nước phụ trách, lãnh đạo thống nhất và tập trung mọi việc thống kê về kinh tế, tài chính, văn hoá, xã hội trong cả nước.

Nhiệm vụ chủ yếu của Cục Thống kê Trung ương là sưu tầm, chỉnh lý, nghiên cứu, phân tích những tài liệu điều tra thống kê cơ bản về các ngành kinh tế quốc dân, văn hoá, xã hội, rồi đệ trình Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Chính phủ để làm căn cứ hoặc tài liệu tham khảo để định các chính sách, lập kế hoạch và kiểm tra kế hoạch.

Về tổ chức Cục Thống kê Trung ương tạm thời gồm có các phòng: Thống kê Tổng hợp; Thống kê Nông nghiệp; Thống kê Công nghiệp; Thống kê Xây dựng cơ bản; Thống kê Thương nghiệp Tài chính; Thống kê Văn hoá, Giáo dục, Y tế, Dân số Lao động.

Ngày 21 tháng 12 năm 1960, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành quyết định số 15-NQ/TVQH về việc tách Cục Thống kê Trung ương ra khỏi Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, thành lập Tổng cục Thống kê.

Đến ngày 29 tháng 9 năm 1961, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 131- CP quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục Thống kê. Theo Nghị định này, Tổng cục Thống kê là cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ có trách nhiệm chỉ đạo tập trung và thống nhất toàn bộ công tác điều tra thống kê theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ sưu tầm, chỉnh lý phân tích các tài liệu thống kê có căn cứ khoa học về kinh tế, văn hoá, xã hội, nhằm phục vụ cho các công tác quản lý nhà nước, lãnh đạo và chỉ đạo công cuộc kế hoạch hoá nền kinh tế quốc dân.

Tổ chức bộ máy của Tổng cục Thống kê gồm có: 7 vụ và Văn phòng.

Năm 1968, thực hiện Nghị quyết 02- CP của Chính phủ về tổ chức lại hệ thống thông tin thống kê, Tổng cục Thống kê được Hội đồng Chính phủ quyết định thành lập Cục Kỹ thuật tính toán, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Phương pháp chế độ và Vụ Cân đối.

Ngày 5 tháng 4 năm 1974 Hội đồng Chính phủ đã ra Nghị định số 72-CP ban hành điều lệ về tổ chức và hoạt động của Tổng cục Thống kê thay thế Nghị định số 131-CP ngày 29 tháng 9 năm 1961 của Hội đồng Chính phủ.

Tổng cục Thống kê là cơ quan Trung ương thuộc Hội đồng Chính phủ, có nhiệm vụ tổ chức và quản lý thống nhất công tác hạch toán và thống kê. Tổng cục Thống kê thực hiện nhiệm vụ của mình trên cơ sở đường lối chính sách và các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước.

Về tổ chức bộ máy có: 17 đơn vị cục, vụ thống kê chuyên ngành, văn phòng và 2 đơn vị sự nghiệp.

Thực hiện chỉ thị 45/TW của Ban Bí thư TW về tinh giản bộ máy, giảm nhẹ biên chế, ngày 2/6/1979 Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 207/CP về tổ chức lại bộ máy của cơ quan Tổng cục Thống kê gồm có 15 đơn vị: Vụ, Viện, Văn phòng và Thanh tra.

Thực hiện Thông báo số 46/TB-TW của Ban Bí thư TW và Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng về việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy của các cơ quan Đảng, Nhà nước và đoàn thể. Ngày 11-5-1988 Hội đồng Bộ trưởng ký ban hành Quyết định số 81/HĐBT, quy định lại số đơn vị trực thuộc Tổng cục giảm xuống còn 10 đơn vị vụ và Văn phòng. Ngoài ra còn có 3 phòng trực thuộc, 2 đơn vị sự nghiệp, và 2 đơn vị sản xuất kinh doanh.

Ngày 23/3/1994, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 23/CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục Thống kê thay thế Nghị định số 72/CP ngày 5/4/1974 của Hội đồng Chính phủ.

Theo Nghị định này, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục Thống kê cơ bản giống như nội dung đã được đề cập ở Điều lệ của Nghị định 72/CP ngày 5/4/1974 của Hội đồng Chính phủ.

Tuy nhiên tổ chức bộ máy của Tổng cục Thống kê được sắp xếp gọn hơn so với tổ chức bộ máy của Tổng cục Thống kê quy định tại Điều lệ của Nghị định 72/CP ngày 05/4/1974 của Hội đồng Chính phủ. Cụ thể gồm:

1. Các đơn vị giúp Tổng cục trưởng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước: có 12 đơn vị vụ, Văn phòng và Thanh tra. Sau đó Chính phủ có quyết định thành lập thêm Vụ Kế hoạch- Tài chính.

2. Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng cục: có 4 đơn vị.

3. Các đơn vị sản xuất do Tổng cục Thống kê quyết định có: 2 đơn vị

Ngày 03/9/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 101/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thống kê thay cho Nghị định số 23/CP ngày 23/3/1994 của Chính phủ.

Về vị trí và chức năng: Tổng cục Thống kê là cơ quan thuộc Bộ nội vụ thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn quản lý Nhà nước về thống kê, tổ chức thực hiện hoạt động thống kê và cung cấp thông tin thống kê kinh tế - xã hội cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân theo quy định của pháp luật; quản lý Nhà nước các dịch vụ công và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể về đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn Nhà nước thuộc Tổng cục Thống kê quản lý theo quy định của pháp luật.

Về nhiệm vụ và quyền hạn: Tổng cục Thống kê chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thuộc Chính phủ quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực theo quy định tại Nghị định số 30/2003/NĐ-CP ngày 01/4/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan thuộc Chính phủ.

Các lãnh đạo

Họ tênNhiệm kỳChức danh
Nguyễn Thiệu Lâu1946 - 1950Giám đốc
Lương Duyên Lạc1950 - 1955
Trần Hữu Dực1955 - 1956
Nguyễn Văn Kha1956 - 1958
Đặng Thí1958 - 1963
Nguyễn Đức Dương1964 – 1974
Hoàng Trình1974 – 1984
Trần Hải Bằng1984
Lê Văn Toàn1984 - 2000Tổng cục trưởng
Lê Mạnh Hùng2000 – 2007Tổng cục trưởng
Nguyễn Đức Hòa2007 - 2010Thứ trưởng BKHDT
kiêm Tổng cục trưởng TCTK
Đỗ Thức2010 –2013Tổng cục trưởng
Nguyễn Bích Lâm2013 - 3/7/2020Tổng cục trưởng
Nguyễn Thị Hương3/7/2020 – nayTổng cục trưởng

Tổng cục Thống kê Việt Nam đặt trụ sở ở số 54 Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, Hà Nội.

Liên quan